Hiện nay, việc kiểm tra đánh giá bằng hình thức trắc nghiệm đã được thực hiện ở nhiều bộ môn, nhiều bậc học. Việc thay đổi từ phương pháp kiểm tra theo hình thức tự luận sang trắc nghiệm đã giảm bớt phần nào áp lực chấm bài cho giáo viên. Tuy nhiên, nếu khối lượng bài kiểm tra nhiều thì việc chấm bài trắc nghiệm cũng làm mất khá nhiều thời gian của các thầy cô: từ đục lỗ làm đáp án, chấm bài thủ công, nhập điểm thủ công. Do đó, bài viết này giới thiệu đến các thầy cô một ứng dụng chấm bài thi trắc nghiệm tự động, có thể dùng trên thiết bị di động. Và hiển nhiên, bài viết chỉ mong muốn giúp giảm áp lực chấm bài cho các thầy cô chứ không hề có mục đích quảng cáo cho phần mềm.
Ứng dụng có tên gọi ZipGrade, có thể cài đặt cho điện thoại hoặc máy tính bảng, chạy được trên cả Android và iOS. Các bạn truy cập PlayStore trên thiết bị Android hoặc AppStore trên thiết biệt iOS, gõ từ khóa “ZipGrade” để tải và cài đặt ứng dụng.
Sau khi cài đặt, các bạn mở ứng dụng ZipGrade và tạo cho mình một tài khoản mới. Tài khoản này sẽ quản lý dữ liệu trên cả ứng dụng và trên website của ZipGrade, mọi bài kiểm tra và điểm số sẽ được lưu lại trên máy chủ của hãng.
1. Các chức năng chính của ZipGrade
Như Hình 1, ứng dụng gồm các chức năng như sau:
- Quizzes: nơi thực hiện tạo bài kiểm tra, chấm bài, lưu bài, thống kê kết quả làm bài của học viên.
- Students: quản lý học viên.
- Classes: quản lý các lớp học.
- Cloud: đồng bộ hóa giữa thiết bị và server.
- Settings: đặt các thiết lập cho ứng dụng.
- Help & Tutorials: Trợ giúp và hướng dẫn.
Hình 1. Giao diện chính của ZipGrade
2. Đăng ký tài khoản
Ngay khi mở ứng dụng lần đầu, ZipGrade đề nghị chúng ta tạo một tài khoản. Bạn tạo một tài khoản mới cho mình, tài khoản này vừa để đăng nhập ZipGrade trên app di động, vừa trên website. Tài khoản này là miễn phí, tuy nhiên mỗi tháng chúng ta chỉ được quét 80 bài kiểm tra. Vì vậy, nếu có điều kiện, các bạn nên mua ứng dụng để chấm và lưu bài thi không giới hạn.
Cách mua như sau: từ giao diện Hình 1, các bạn bấm Cloud, sau đó bấm Extend Subscription 1 Year để mua, giá 6,99 USD/năm, bằng khoảng 150.000 VND/năm. Lưu ý: bạn cần có thẻ tín dụng để mua ứng dụng.
3. Cách tạo bài kiểm tra & chấm bài
Các bạn vào mục Quizzes, bấm New Quiz
- Quiz Name: đặt tên bài kiểm tra
- Bấm Select Sheet: chọn mẫu phiếu làm bài (loại phiếu 20, 50 hay 100 câu)
- Class: chọn các lớp nào sẽ làm bài kiểm tra này
- Bấm OK (Xem Hình 2)
Hình 2. Giao diện Quizzes để tạo bài kiểm tra.
Sau đó, bấm Edit Key để nhập đáp án (các bạn lưu ý nhập chính xác bước này, vì liên quan đến kết quả của học viên). Phần này ứng dụng cho phép nhập 5 đáp án A-B-C-D-E (như Hình 3b), nếu các bạn cho làm loại bài 4 đáp án thì cũng nhập đáp án như bình thường, đáp án E không ảnh hưởng.
Hình 3a & 3b. Cách nhập đáp án cho bài thi
Sau đó các bạn vào link sau để download các mẫu phiếu làm bài:
– Mẫu gốc do ZipGrade cung cấp: Download
– Mẫu phiếu tiếng Việt, 4 đáp án do tôi chỉnh sửa & cung cấp: Mẫu 50 câu, Mẫu 100 câu
Mẫu tôi thường dùng là mẫu 50 câu, loại 4 đáp án. Loại này chỉ cho sinh viên tô 5 số cuối của Mã số sinh viên, các bạn lưu ý dặn sinh viên điền cho đúng.
4. Chấm bài kiểm tra
Vào mục Quizzes, bấm Scan Paper (xem Hình 3a), camera của thiết bị được kích hoạt kèm giao diện của ZipGrade. Bạn canh sao cho 4 dấu chấm đen của phiếu làm bài nằm trọn trong 4 góc sáng của giao diện quét bài. Ngay lập tức, điểm số của bài thi sẽ được hiện lên. Như Hình 4, điểm số của bài là 2,5 (ZipGrade tính theo thang điểm 100 nên hiện là 25).
Hình 4. Giao diện quét và chấm bài thi của ZipGrade
5. Xem kết quả kiểm tra
Xem điểm kiểm tra
Từ giao diện Hình 3a, các bạn bấm Review Papers, danh sách các bài đã được chấm sẽ được hiển thị gồm có tên sinh viên, điểm số (xem Hình 5a). Nếu bạn bấm vào tên của sinh viên, hình ảnh của bài thi sẽ hiện ra (do camera chụp lại). Tất cả các kết quả này đều được lưu trên thiết bị và đồng bộ lên server nên chúng ta cũng khá yên tâm và không còn phải lưu lại bài kiểm tra giấy của học viên nữa.
Phân tích kết quả làm bài
Từ giao diện Hình 3a, các bạn bấm Item Analysis. Kết quả sẽ hiện ra như Hình 5b, sẽ giúp giáo viên biết tỉ lệ chọn đáp án của học viên theo từng câu, câu nào học viên bị sai nhiều.
Hình 5. Giao diện xem kết quả kiểm tra
Trên đây là những chức năng chính của ứng dụng ZipGrade. Hy vọng bài viết này sẽ giúp các thầy cô giảm bớt gánh nặng chấm bài kiểm tra trắc nghiệm. Tuy nhiên, không có loại bài thi nào là tối ưu, các thầy cô cũng không nên quá lạm dụng hình thức thi trắc nghiệm mà quên đi những hình thức kiểm tra khác phù hợp hơn với môn học của mình.
Mai Thành Tấn
Cảm ơn thầy đã chia sẻ
[…] Nguồn: 🔗 […]