1. Dược điển nghĩa là gì?
Trước hết, chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa của từ Dược điển trong tiếng Việt.
“Dược” nghĩa là thuốc.
“Điển” theo từ điển Hán-Việt có thể có nghĩa là:
- Chuẩn mực, mẫu mực
- Sách được coi là mẫu mực, dùng làm tiêu chuẩn
- Quy tắc, chuẩn tắc
- Việc thời trước, sự cũ (“điển tích”)
Như vậy “Dược điển” có thể được hiểu là một bộ nguyên tắc, tiêu chuẩn về thuốc.
Theo Dược điển Anh, đó là bộ tiêu chuẩn về chất lượng và độ tinh khiết của các thuốc, hóa chất và các chế phẩm Dược.
Từ “Dược điển” trong tiếng Anh
Trong tiếng Anh, Dược điển được gọi là “pharmacopoeia” hay “pharmacopeia”. Đây là một từ có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ:
φαρμακοποιΐα (pharmakopoiia), có nghĩa là “drug-making”, bắt nguồn từ chữ:
- φάρμακον (pharmakon) = ‘drug’
- ποι- (poi-) = ‘make’
2. Lịch sử hình thành của Dược điển
Những cuốn sách đầu tiên có thể coi là Dược điển
Những cuốn sách đầu tiên có thể xem là Dược điển là những tác phẩm viết về y học dùng dược liệu. Những quyển sách nổi tiếng phải kể đến như “Papyrus” của Edwin Smith Papyrus thời Ai Cập cổ đại, và đặc biệt là “De Materia Medica” (Περί ύλης ιατρικής) của Pedanius Dioscorides viết những năm 50 – 70 sau công nguyên, mô tả 600 vị thuốc từ cây cỏ, động vật, khoáng vật và 1000 bài thuốc từ những dược liệu này.

Tác phẩm của Papyrus và quyển De Materia Medica của Dioscorides
Một tác phẩm khác nữa là “The Canon of Medicine” của Avicenna (người Ba Tư) viết năm 1025. Ở Châu Á, “Thần Nông bản thảo” là tác phẩm có thể coi như một quyển Dược điển, được cho là viết bởi vị Thần Nông trong truyền thuyết Trung Hoa và cũng là người thầy thuốc đầu tiên của người dân khu vực này vào những năm 200 – 250 sau công nguyên, mô tả khoảng 365 vị thuốc từ thực vật, động vật, khoáng vật.

Một trang sách The Canon of Medicine của Avicenna & Thần Nông bản thảo
Trong những tác phẩm trên, có thể nói quyển “De Materia Medica” là tiền thân của những quyển Dược điển hiện đại sau này, và là quyển sách về dược liệu có ảnh hưởng nhất trong lịch sử ngành y dược, được dùng rộng rãi mãi đến những năm 1600.
Nguồn gốc cuốn Dược điển của các thành phố
Thời cổ đại
Tác phẩm kiểu Dược điển đầu tiên được xuất bản vào thời Đường ở Trung Quốc. Cuốn sách được viết bởi các quan của Hoàng đế Đường Cao Tông, có tính cách quốc gia, mô tả 850 loại thuốc, có sửa đổi một số luận thuyết của các thầy thuốc Trung Quốc thời cổ đại.
Ở Châu Âu
Một số sự kiện tiêu biểu như vào năm 1542, ở Nuremberg (Đức), một sinh viên tên là Valerius Cordus giới thiệu đến các bác sĩ trong thị trấn một bộ sưu tập các đơn thuốc mà anh thu thập từ các tác phẩm của những bác sĩ nổi tiếng nhất. Anh làm điều này vì mong muốn của các bác sĩ trong vùng bởi bộ sưu tập của anh sẽ mang đến lợi ích cho các nhà bào chế thuốc.
Một tác phẩm khác là Antidotarium Florentinum được xuất bản bởi trường Đại học Y khoa của Florence vào thế kỷ XVI. Còn năm 1511, Concordie Apothecariorum Barchinone được xuất bản bởi Hiệp hội Apothecaries của Barcelona và được lưu giữ tại Trường Dược của Đại học Barcelona.
Thuật ngữ “pharmacopoeia” đầu tiên xuất hiện như một tiêu đề riêng biệt trong một tác phẩm xuất bản tại Basel, Thụy Sĩ, năm 1561 bởi A. Foes, nhưng dường như không được sử dụng cho đến đầu thế kỷ XVII.
Nói chung, trước năm 1542, các nhà bào chế sử dụng chủ yếu các luận thuyết trong các tác phẩm của Avicenna và Serapion, quyển De synonymis and Quid pro quo của Simon Januensis, quyển Liber servitoris của Bulchasim Ben Aberazerim và quyển Antidotarium của Nicolaus de Salerno, chứa các công thức bào chế Galenic được xếp theo thứ tự bảng chữ cái.
Năm 1636, tại Amsterdam, Nicolaes Tulp cùng với những người bạn bác sĩ và nhà hóa học của mình cùng nhau viết quyển Dược điển đầu tiên Pharmacopoea Amstelredamensis.
Tại Anh Quốc
Tại London, quyển Dược điển London (London Pharmacopoeia) được xuất bản vào tháng 5 năm 1618 bởi College of Physicians để đảm bảo sự pha chế chính xác của các nhà bào chế, là cơ sở để xử phạt việc buôn bán thuốc kém chất lượng trong thành phố. Quyển Dược điển đầu tiên này của London được lựa chọn theo các tác phẩm của Mezue và Nicolaus de Salerno, và được áp dụng với tính chất bắt buộc cho thành phố London. Tuy nhiên, nhiều lỗi đã được phát hiện và phiên bản này bị hủy bỏ, sau đó một quyển Dược điển mới được xuất bản. Những quyển Dược điển London lần lượt ra đời vào các năm 1621, 1632, 1639 và 1677, 1721 với sự thêm bớt các dược liệu, hoạt chất cho phù hợp với việc bào chế thuốc tại London. Năm 1746, một thay đổi lớn được thực hiện, người ta chỉ giữ lại các thuốc thật sự hiệu quả với sự đồng thuận Ủy ban Dược điển để đơn giản hóa cuốn sách.
Cùng thời đó, tại các thành phố khác ở Anh Quốc, còn có quyển Edinburgh Pharmacopoeia được xuất bản lần đầu năm 1699, lần cuối năm 1841 bởi Royal College of Physicians of Edinburgh; và quyển Dublin Pharmacopoeia xuất bản lần đầu năm 1807, lần cuối năm 1850.
Năm 1864, Dược điển Anh (British Pharmacopoeia) ra đời trên cơ sở hợp nhất 3 quyển Dược điển nói trên.
Cuốn Dược điển của Quốc gia
Dược điển Anh
Như đã trình bày ở trên, ba quyển Dược điển ở Anh bấy giờ là London Pharmacopoeia, Edinburgh Pharmacopoeia và Dublin Pharmacopoeia không đồng bộ với nhau, gây ra nhiều bất tiện và nguy hiểm cho công chúng. Kết quả là năm 1858, Đạo luật Y tế tuyên bố Hội đồng Y khoa cần xuất bản một quyển sách chứa tiêu chuẩn chất lượng và cách bào chế cho các hoạt chất, các chế phẩm thuốc được gọi là Dược điển Anh (British Pharmacopoeia – BP), sẽ được sử dụng trên toàn Anh Quốc và Ireland, và thay thế cho những quyển Dược điển riêng biệt trước đây.
Quyển Dược điển Anh đầu tiên được xuất bản lần đầu tiên năm 1864 nhưng không nhận được sự đồng thuận của các chuyên gia y khoa, các dược sĩ và nhà hóa học. Sự không đồng thuận này có thể là do các nhà biên soạn là những người không tham gia trực tiếp vào việc thực hành Dược và có một số áp đặt vào các nguyên tắc và công thức bào chế. Do đó, một phiên bản sửa đổi bổ sung được xuất bản vào năm 1867.
Các Dược điển quốc gia khác
Một quyển Dược điển quốc gia nổi tiếng khác phải kể đến là Dược điển Mỹ (United States Pharmacopeia – USP), được phát hành bởi một tổ chức tư nhân phi lợi nhuận từ năm 1820, với Hội đồng Dược điển bổ nhiệm bởi Hiệp hội Y Dược sĩ và có giá trị ở cấp quốc gia.
Nhiều quốc gia cũng xây dựng Dược điển riêng cho mình như Đức, Bỉ, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Hungary, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Việt Nam…
Dược điển khu vực & quốc tế
Dược điển Châu Âu (European Pharmacopoeia), Dược điển Châu Phi (Africa Pharmacopoeia) là những Dược điển khu vực. International Pharmacopoeia là quyển Dược điển Quốc tế ban hành bởi WHO, in lần đầu năm 1951, hiện là phiên bản thứ 7 phát hành năm 2017.
Đọc thêm: bài giảng “Dược điển Việt Nam & các nước tiên tiến”.
Tham khảo:
Mai Thành Tấn