Bài tổng quan về virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 của chúng tôi vừa được đăng trên Tạp chí Y học TP.HCM, cập nhật các nghiên cứu đến ngày 26/02/2020. Vào ngày nộp bài báo, theo dữ liệu của WHO, dịch bệnh lan ra 38 nước trên thế giới với 81.109 ca nhiễm, mà hôm nay (13/03/2020) đã là 118 nước với hơn 130 ngàn ca.
Về tên gọi, những ngày đầu, mầm bệnh được gọi là virus Vũ Hán, sau đó là nCoV. WHO tạm gọi là 2019-nCoV, rồi sửa tên bệnh gây ra bởi virus là COVID-19. Cuối cùng, Ủy ban quốc tế về phân loại virus (ICTV) đặt tên cho virus là SARS-CoV-2 và WHO cũng ghi nhận tên gọi này trên website chính thức của mình.
Về hình ảnh, các bạn có thể xem hình ảnh rõ nét của virus được chụp từ tháng 1/2020:
Hình minh họa cấu trúc của coronavirus:
Khi phân tích bộ gen của virus, dù chỉ dựa trên hình ảnh xây dựng bằng máy tính (homology), các nhà khoa học đã dự đoán virus này có cơ chế lây nhiễm giống virus SARS năm 2003:
Đến cuối tháng 2/2020, nghiên cứu của Wrapp và cộng sự đã xác nhận giả thuyết này qua việc chụp được hình ảnh cách thức SARS-CoV-2 dùng protein S để gắn lên thụ thể ACE2 ở đường hô hấp và xâm nhập vào tế bào ký chủ (Hình 4). Khả năng gắn kết của chủng virus mới này lên ACE2 mạnh gấp 10-20 lần so với chủng SARS năm 2003.
Bài báo đã tóm tắt một số thuốc có tiềm năng điều trị COVID-19. Một số thuốc đã được dùng theo kinh nghiệm, vài thuốc trong số đó tỏ ra hiệu quả và đang được thử lâm sàng. Có thể thấy SARS-CoV-2 có các đích tác động tiềm năng để làm thuốc điều trị bao gồm enzym protease (Hình 5), RNA polymerase, protein S. Trên người, thụ thể ACE2 cũng có thể là một đích tác động khả dĩ.
Các bạn có thể xem bài toàn văn tại đây.
Mai Thành Tấn